Chính sách bảo vệ trẻ em
1. Giới thiệu về Chính sách Bảo vệ Trẻ em
1.1. Định nghĩa các khái niệm sử dụng trong Chính sách Bảo vệ Trẻ em
Trẻ em: Tất cả những ai dưới 18 tuổi.
Nhân viên: Tất cả những ai đang làm việc cho Everest Education (E2).
1.2. Chính sách Bảo vệ Trẻ em là gì?
Chính sách Bảo vệ Trẻ em là cam kết của Everest Education nhằm bảo vệ trẻ em khỏi sự lạm dụng, bóc lột và những sơ suất của tổ chức – hoặc có thể hiểu đây là cách chúng tôi bảo vệ trẻ em luôn an toàn như thế nào. Đây là trách nhiệm mà chúng tôi đảm bảo rằng tất cả các nhân viên, các hoạt động cũng như những chương trình của chúng tôi sẽ không gây hại đến trẻ em và học sinh bằng việc bảo vệ các em khỏi nguy cơ bị tổn hại và lạm dụng. Ngoài ra, khi nhận thấy có bất kỳ mối lo ngại nào về sự an toàn của trẻ khi ở nhà hay trong các tổ chức cộng đồng, chúng tôi sẽ trình báo sự việc đến các cơ quan chức năng.
Everest Education chủ trương không khoan nhượng đối với những vấn đề liên quan đến bảo vệ trẻ em. Trên thực tế, điều này có nghĩa là chúng tôi sẽ thực hiện mọi nỗ lực cần thiết để tuân thủ Chính sách này, bất kể thiệt hại về chi phí hay khó khăn trong việc vận hành trung tâm.
Chính sách của chúng tôi bao gồm hai mức độ can thiệp:
- PHÒNG NGỪA – nhằm tối thiểu tình trạng lạm dụng và gây hại tới trẻ em.
- HÀNH ĐỘNG – thực hiện các hành động nhằm đảm bảo mọi vấn đề đều được quan tâm, mọi nghi ngờ lạm dụng, gây hại đến trẻ em đều được xác định kịp thời, cũng như thực hiện các hành động thích hợp để bảo vệ trẻ và tránh những trường hợp tương tự xảy ra trong tương lai.
1.3. Những nguyên tắc củng cố Chính sách Bảo vệ Trẻ em
Một số nguyên tắc quan trọng làm cơ sở củng cố Chính sách Bảo vệ Trẻ em. Những nguyên tắc này bao gồm:
- Luôn đặt lợi ích của trẻ và những điều tốt nhất dành cho các em lên trên hết khi đưa ra quyết định.
- Tôn trọng các quyền trẻ em, bao gồm quyền được bảo vệ và quyền được tham gia bày tỏ ý kiến về những vấn đề có liên quan đến cuộc sống của mình.
- Bình đẳng mọi cơ hội để đảm bảo rằng mọi trẻ em đều có cơ hội được tham gia vào các hoạt động của chúng tôi một cách an toàn, bất kể giới tính, trình độ, chủng tộc, dân tộc, hoàn cảnh hay tuổi tác. Trường hợp những em dễ bị tổn thương sẽ nhận được sự chú ý đặc biệt để trẻ được đảm bảo an toàn, được bảo vệ và được tạo điều kiện để tiếp cận với các cơ hội bình đẳng như những trẻ khác.
- Tư vấn cho trẻ em và gia đình về cách tiếp cận cũng như phản hồi về Chính sách.
- Cân nhắc đến những yếu tố nhạy cảm về văn hóa và bối cảnh địa phương trong quá trình đưa ra quyết định và thông báo về các thủ tục liên quan.
- Chịu trách nhiệm hỗ trợ và hành động bảo vệ tốt nhất cho trẻ em, khi nhận thấy một đứa trẻ có nguy cơ hoặc đang thực sự bị tổn hại.
- Đào tạo và hỗ trợ những nhân viên làm việc tại Everest Education để họ có thể nhận ra, phòng ngừa, ứng phó với các rủi ro và sự cố bảo vệ trẻ em.
- Làm việc một cách trung thực và minh bạch bằng cách thông báo công khai Chính sách Bảo vệ Trẻ em và những gì chúng tôi làm để bảo vệ trẻ em, với những người chúng tôi làm việc cùng, bao gồm cả trẻ em.
- Bảo mật tuyệt đối những cá nhân nhạy cảm. Thông tin sẽ chỉ được chia sẻ và xử lý trên cơ sở cần thiết để hỗ trợ và bảo vệ tốt nhất cho trẻ em.
- Làm việc với những bên khác, bao gồm toàn thể nhân viên E2 cũng như với các tổ chức khác, để bảo vệ trẻ em. Điều này bao gồm việc làm việc với các cơ quan thực thi pháp luật và các cơ quan phúc lợi trẻ em khi cần thiết.
- Giám sát việc thực hiện và đào tạo theo Chính sách Bảo vệ Trẻ em một cách thường xuyên.
1.4. Trách nhiệm của chúng tôi là gì?
Mọi người đều có trách nhiệm bảo vệ và đảm bảo lợi ích cho trẻ em, hỗ trợ việc thực thi chính sách, không phân biệt vai trò cá nhân. Tất cả những nhân viên làm việc cho E2 có trách nhiệm:
- Báo cáo với E2 tất cả các cáo buộc hoặc nghi ngại về những trường hợp thực tế, hoặc đáng ngờ liên quan đến lạm dụng trẻ em.
- Báo cáo với E2 tất cả các cáo buộc hoặc nghi ngại về những hành vi sai trái thực tế, hoặc đáng ngờ của nhân viên, hoặc những hành động phạm tội liên quan đến lạm dụng trẻ em.
Tất cả các báo cáo liên quan cần được báo cáo trực tiếp cho Quản lý Bảo Vệ trẻ em.
2. Tìm hiểu về các Vấn đề Bảo vệ Trẻ em
2.1. Chúng tôi bảo vệ trẻ em khỏi những điều gì?
E2 tuân theo định nghĩa ‘xâm hại’ được Tổ Chức Y Tế Thế Giới sử dụng:
‘Xâm hại trẻ em’ hoặc ‘ngược đãi’ là tất cả những hình thức đối xử tồi tệ về tinh thần hay thể chất, lạm dụng tình dục, bỏ bê, xao nhãng, đối xử không đúng mức hoặc bóc lột vì mục đích thương mại hay các mục đích khác, gây ra tổn hại thực tế hay tiềm ẩn đối với sự phát triển, sự sống còn, sức khỏe hay nhân phẩm của trẻ trong bối cảnh có liên quan đến trách nhiệm, sự tin cậy hay quyền hành.’
2.2. Các định nghĩa chung về xâm hại trẻ em
Lạm dụng có thể là một sự kiện đơn lẻ, một sự kiện ngầm hoặc đang diễn ra, bao gồm cả việc xâu chuỗi một số sự việc dường như không thật sự nghiêm trọng. Lạm dụng có thể diễn ra trong mọi hoàn cảnh bao gồm trong gia đình, trường học, cộng đồng, các tổ chức hoặc không gian trực tuyến. Lạm dụng trực tuyến có nhiều hình thức bao gồm bắt nạt, quấy rối tình dục và những hình ảnh lạm dụng trẻ em.
Năm hình thức xâm hại chính được Chính sách Bảo vệ Trẻ em công nhận:
- Xâm hại cơ thể: Điều này có thể liên quan đến đánh đập, quăng, ném, đốt hoặc làm bỏng, nhấn chìm, làm nghẹt thở hoặc gây ra tổn hại về thể chất cho trẻ.
- Xâm hại tâm lý/ tình cảm: Đây là hành vi ngược đãi cảm xúc của trẻ, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài đối với sự phát triển tâm lý và cảm xúc của trẻ. Điều này có thể liên quan đến việc truyền đạt cho trẻ em ý nghĩ tiêu cực rằng chúng vô giá trị và không được yêu thương, không có giá trị hoặc chỉ có giá trị khi chúng đáp ứng nhu cầu của người khác. Đây cũng có thể liên quan đến việc áp đặt những kỳ vọng không phù hợp với tuổi tác hay sự phát triển của trẻ, hoặc khiến trẻ thường xuyên cảm thấy sợ hãi hoặc rơi vào tình trạng nguy hiểm. Một số mức độ xâm hại tình cảm có liên quan đến tất cả các hình thức ngược đãi trẻ em, mặc dù nó có thể xảy ra một mình.
- Xao nhãng: Đây là trường hợp không đáp ứng đầy đủ cho trẻ những nhu cầu thể chất hoặc tâm lý cơ bản, trong đó cha mẹ thường là nguyên nhân chủ yếu, dẫn đến sự phát triển của trẻ bị suy giảm nghiêm trọng. Ví dụ, trẻ rơi vào tình huống nguy hiểm do không được giám sát cẩn thận khiến chúng có thể bị tổn hại (nhưng chỉ khi tình huống này có thể tránh được). Việc bỏ bê có thể rất khó nhận ra, đặc biệt là ở các quốc gia không có đủ nguồn lực, hoặc có mức độ nghèo và tệ nạn xã hội cao.
- Xâm hại tình dục: Điều này liên quan đến việc ép buộc hoặc khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động tình dục, cho dù trẻ có nhận thức được những gì đang xảy ra hoặc đồng ý hay không. Các hành động có thể liên quan đến tiếp xúc vật lý, bao gồm xâm nhập (hiếp dâm) hoặc hành vi không xâm nhập. Chúng cũng có thể bao gồm các hoạt động không tiếp xúc, chẳng hạn như cho phép trẻ xem các nội dung khiêu dâm, chụp ảnh trẻ em không đứng đắn hoặc khuyến khích trẻ cư xử theo những cách không phù hợp liên quan đến tình dục.
- Bắt nạt: Cần được nhấn mạnh rằng bắt nạt cũng được cho là một hình thức lạm dụng tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nó. Mặc dù chúng ta thường nghĩ người lớn là những người lạm dụng, tuy nhiên trẻ em cũng có thể là thủ phạm của lạm dụng.
3. Những hành động Bảo vệ Trẻ em
Chìa khóa để bảo vệ trẻ em là phòng chống lạm dụng, do đó, E2 sẽ làm mọi cách để giảm thiểu nguy cơ phạm tội, chấp nhận giải quyết sớm hơn đối với các vấn đề liên quan đến bảo vệ trẻ em.
3.1. Những biện pháp và quy trình bảo vệ trẻ em khỏi tình huống bị lạm dụng
Giám Đốc Bảo Vệ Trẻ Em: E2 có Giám Đốc Bảo Vệ Trẻ Em được chỉ định với trách nhiệm chính là tư vấn, hỗ trợ và huấn luyện cho các Trưởng Nhóm Bảo Vệ Trẻ Em trong mỗi trung tâm. Bất kỳ sự cố nào liên quan đến bảo vệ an toàn cho trẻ em phải được báo cáo cho Giám Đốc Bảo Vệ Trẻ Em.
Trưởng Nhóm Bảo Vệ Trẻ Em: Mỗi Trung tâm học tập đều có Trưởng Nhóm Bảo Vệ Trẻ Em với vai trò bảo vệ và bênh vực cho các chính sách bảo vệ trẻ em cũng như hỗ trợ và đáp ứng những yêu cầu của Giám đốc Bảo Vệ Trẻ Em. Tại E2, đây là những người Quản lý Trung tâm.
Điều này liên quan đến việc nâng cao nhận thức về Chính sách Bảo vệ Trẻ em và đào tạo nhân viên về cách xử lý các sự cố liên quan đến an toàn của trẻ em. Họ sẽ là những nhân viên tại các trung tâm học tập tương ứng, báo cáo bất kỳ vấn đề nào liên quan đến bảo vệ trẻ em, và với sự hỗ trợ của Giám Đốc Bảo Vệ Trẻ Em, theo dõi cùng với gia đình hoặc cơ quan chức năng khi cần thiết.
3.2. Tuyển dụng an toàn hơn để lựa chọn nhân viên có tư cách phù hợp làm việc với trẻ em
Tuyển dụng “an toàn” và kiểm tra trước khi tuyển dụng được thực hiện như một phần của quy trình tuyển dụng nhân viên, đây trước tiên cũng là cơ hội của tổ chức để ngăn chặn những kẻ phạm tội tiềm năng. E2 sẽ thực hiện tất cả các biện pháp hợp lý để ngăn chặn các cá nhân không phù hợp làm việc với trẻ em. Tất cả nhân viên mới và hiện tại đều sẽ ký vào mẫu tự khai, khẳng định rằng họ chưa bao giờ bị kết án về bất kỳ hành vi phạm tội nào liên quan đến bất kỳ loại tổn hại nào đối với trẻ em, cũng không bị cảnh báo liên quan đến những vấn đề đó.
3.3. Giáo dục đào tạo nhân viên và những người khác để trang bị đầy đủ kỹ năng và kiến thức
Tất cả nhân viên phải được đào tạo về bảo vệ trẻ em bởi quan trọng là tất cả nhân viên phải ý thức được trách nhiệm của chính họ, cũng như ý thức và thực hành các chính sách của tổ chức.
3.4. Tư vấn và hỗ trợ
Tất cả nhân viên đều được tư vấn và hỗ trợ về những vấn đề liên quan đến bảo vệ trẻ em, đến việc thực hiện Chính sách Bảo vệ Trẻ em, thông qua các bộ phận quản lý bảo vệ trẻ em.
4. Phản hồi lại những thắc mắc và cáo buộc
E2 đảm bảo rằng chúng tôi sẽ có những phản ứng phù hợp với các tình huống lạm dụng thực tế, nghi ngờ hoặc gây hại cả từ bên trong và bên ngoài tổ chức. Điều này nhằm coi trọng những lợi ích tốt nhất dành cho trẻ, ngăn chặn các tình huống tương tự xảy ra trong tương lai và hướng tới giải quyết pháp lý bất kỳ hành động phạm tội nào có thể đã thực hiện.
Nhân viên không có trách nhiệm quyết định liệu có xảy ra lạm dụng trẻ em hay không. Tuy nhiên, tất cả nhân viên đều có nghĩa vụ bắt buộc phải báo cáo bất kỳ mối hoài nghi nào – ngay cả khi những điều này còn mơ hồ và chỉ là một sự nghi ngờ hoặc có ‘trực giác’ rằng có gì đó không đúng.
Không nhân viên nào được đồng ý giữ thông tin liên quan đến hành vi lạm dụng, dù là bị nghi ngờ hay đã xảy ra trên thực tế, với lý do bí mật cá nhân, ngay cả khi trẻ yêu cầu được giữ bí mật. Để đảm bảo an toàn cho trẻ, tất cả những nghi ngờ về lạm dung trẻ em đều phải được báo cáo thay vì giữ bí mật. Điều quan trọng là báo cáo hành vi nghi ngờ lạm dụng và bảo vệ trẻ em hơn là giữ kín. Tất cả các báo cáo sẽ được bảo mật ngoại trừ những bên cần phải biết để có thể bảo vệ trẻ.